17 tháng mười hai, 2019
Trong bối cảnh độ tuổi của phụ nữ lần đầu sinh con ngày càng muộn hơn, việc nâng cao kiến thức, lập kế hoạch sinh sản trong giai đoạn sức khỏe tối ưu ngày càng trở nên cần thiết. Vừa qua, Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng sinh sản ở phụ nữ trong thực hành lâm sàng” do Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh (HOSREM) phối hợp cùng Roche Việt Nam tổ chức đã đem đến nhiều thông tin cập nhật về vấn đề này.
Hình: Theo thống kê năm 2018, Việt Nam hiện có 10 – 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 49 tuổi). Con số này dự kiến sẽ đạt mức 25 triệu vào năm 2030.
Tuổi sinh sản là một tiến trình liên tục ở người phụ nữ từ lúc mới sinh đến khi mãn kinh. Lúc mới sinh, phụ nữ có khoảng 1 triệu trứng trong buồng trứng, đó là toàn bộ nguồn trứng dùng cho độ tuổi sinh sản. Theo thời gian, sẽ có sự thay đổi về khả năng có thai liên quan đến việc suy giảm cả về số lượng và chất lượng của trứng. Phụ nữ chỉ có một khung thời gian sinh sản tối ưu, song việc sinh con đang trong xu thế bị trì hoãn ở nhiều nước, độ tuổi sinh con đầu tiên đã chạm ngưỡng 30 , do phụ nữ ngày càng dành nhiều thời gian cho sự nghiệp và phát triển bản thân.
Việc xác định thời gian sinh con tối ưu cần được chuẩn bị để hạn chế mọi nguy hại, rủi ro, đồng thời giúp phụ nữ được trải qua thai kỳ khỏe mạnh. Việc thụ thai và có được thai kỳ ổn định phụ thuộc trực tiếp đến dự trữ buồng trứng, và xét nghiệm AMH (Anti-Mullerian Hormone) là một trong những chỉ số đáng tin cậy để đánh giá dự trữ buồng trứng. Vấn để này sẽ được các chuyên gia y tế trình bày tại hội thảo.
Hình: TS.BS. Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - chia sẻ tại buổi hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS. Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM cho biết, các vấn đề về khả năng sinh sản ảnh hưởng đến 1 trong 10 cặp vợ chồng trên toàn cầu3. Xu hướng phụ nữ có thai ngày càng muộn hơn, do đó các cặp vợ chồng cần hiểu rõ hơn về cơ hội có thai và khi nào bắt đầu lập kế hoạch cho việc có con - điều vốn còn xa lạ với nhiều gia đình Việt Nam. Ông cho biết thêm, việc làm mẹ chỉ có thể chờ đợi khi phụ nữ đảm bảo loại trừ những rủi ro ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, và AMH là xét nghiệm giúp các cặp vợ chồng có thêm thông tin về khả năng sinh sản để lên kế hoạch về thời gian có thai cũng như can thiệp kịp thời bằng các kỹ thuật hỗ trợ.
Hình: ThS.BS. Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM chia sẻ tại buổi hội thảo
ThS.BS. Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM cho biết nồng độ AMH khi xét nghiệm cho biết tình trạng dự trữ buồng trứng. Phụ nữ có dự trữ buồng trứng giảm so với tuổi sẽ được tư vấn để có kế hoạch có con sớm hơn. Trong trường hợp họ không thể có thai trong vòng 12 tháng, các phương pháp sinh sản khác cần được đưa vào thảo luận khi tư vấn. Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm máu đơn giản do bác sĩ chỉ định và không yêu cầu can thiệp xâm lấn.