Viêm gan vi rút B là bệnh nguy hiểm do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra.1 Viêm gan vi rút B lây truyền qua đường máu hoặc dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Bệnh không phải lúc nào cũng tự khỏi: Ở người lớn khoảng 5% số ca nhiễm trùng cấp tính sẽ diễn biến thành mạn tính với mức độ nghiêm trọng khác nhau; ở trẻ sơ sinh, 95% trường hợp sẽ diễn biến thành viêm gan vi rút B mạn tính.1
Ước tính có khoảng 300 triệu người sống chung với nhiễm HBV. Năm 2019, có khoảng 820.000 ca tử vong do bệnh viêm gan vi rút B, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát).1
Vi rút viêm gan B (HBV) gồm vỏ ngoài (HBsAg) và lõi bên trong (HBcAg). Kháng nguyên lõi của vi rút viêm gan B bao gồm 183‑185 acid amin.2 Trong quá trình nhiễm HBV, kháng thể kháng HBcAg (anti-HBc) thường được hình thành ngay sau khi xuất hiện HBsAg, kháng thể ban đầu chủ yếu là kháng thể IgM, sau đó giảm dần khi nồng độ anti-HBc IgG bắt đầu tăng lên.3 Anti-HBc (total) dương tính vẫn tồn tại ở những người đã phục hồi sau khi nhiễm HBV và ở những người tiến triển thành HBV mạn tính.4,5 Vì vậy, đó là những dấu hiệu của tình trạng nhiễm HBV hiện tại hoặc trong quá khứ.6 Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm HBV cũng có thể tiến triển mà không xuất hiện kháng thể kháng HBc có thể phát hiện được bằng phương pháp miễn dịch (thường ở những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch). Anti-HBc không được tạo ra sau khi tiêm chủng.5,8
Do anti-HBc tồn tại dai dẳng sau khi nhiễm HBV, việc sàng lọc anti-HBc có thể được sử dụng để xác định những người đã nhiễm bệnh trước đó. Xác định anti-HBc kết hợp với các xét nghiệm viêm gan B khác cho phép chẩn đoán và theo dõi nhiễm HBV. 4,5 Trong trường hợp không có các dấu hiệu viêm gan B khác (người có HBsAg âm tính), anti-HBc có thể là dấu hiệu duy nhất của tình trạng nhiễm HBV hiện tại.6,9