Hãy lắng nghe cơ thể lên tiếng #khôngdừngbước Talkshow kỳ 4: Để tim khỏe, quan tâm khi còn trẻ

Tại kỳ 4 của chương trình Hãy lắng nghe cơ thể lên tiếng #khôngdừngbước, chúng ta cùng gặp gỡ chuyên gia đầu ngành tim mạch PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu, Phó trưởng Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Với chủ đề “Để tim khỏe, quan tâm khi còn trẻ”, bác sĩ sẽ chia sẻ các kiến thức quan trọng và giải đáp những lầm tưởng về tim mạch qua 2 tập: Tập 1 - Hiểu đúng, tập 2 - Nghe đúng.

Quý khán giả có thể xem lại video của toàn bộ chương trình hoặc xem chi tiết phần chia sẻ của bác sĩ như bên dưới.

> Tập 1: Hiểu đúng

Độ dài: 15 phút
Nội dung: Định nghĩa, nguyên nhân, các triệu chứng và lời khuyên về suy tim và nhồi máu cơ tim

Để tim khỏe, quan tâm khi còn trẻ

Tỉ lệ người mắc bệnh tim mạch ngày càng cao và đặc biệt số người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch vẫn chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh lý. Hiện nay nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không chỉ trung niên mà còn ở những người trẻ tuổi, ở cả nông thôn và thành thị. 
 

Có một câu chuyện tôi muốn chia sẻ với các bạn. Trong số những bệnh nhân của tôi có 2 vợ chồng đã khám chỗ tôi từ 3 năm nay, năm nay là năm thứ 4. Khi đến khám hai ông bà đều rất vui vẻ, bắt tay chào hỏi nhau coi như người thân cũ, tuy nhiên hai ông bà đều bỏ thuốc, không uống thuốc nữa. Bà thì bị suy tim, ông thì bị nhồi máu cơ tim và đặt stent mạch vành nên phải can thiệp tim mạch. Hai người đều bỏ thuốc lý do đầu tiên là do bị dịch COVID-19 - lý do ai cũng có thể thông cảm, lý do thứ 2 là ông bảo ông bị dạ dày và phải uống thuốc dạ dày, ông sợ dùng thuốc dạ dày sẽ ảnh hưởng đến thuốc tim mạch nên là ông dừng thuốc tim mạch 6 tháng. Bà thì bà đặc biệt hơn, bà đi tập Pháp Luân Công hoặc là tập các môn khác như Yoga và bà bảo là khi tập xong thì huyết áp đo bình thường rồi nên bà không uống thuốc nữa. Việc nghĩ là huyết áp tốt thì tim mạch sẽ bình thường đấy là điều rất nguy hiểm. Điều đáng buồn là cho dù suy nghĩ gì, đơn giản nhất cho ông bà là nhấc điện thoại gọi cho tổng đài của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hoặc nhắn tin, gọi điện cho tôi, thì tôi sẽ sẵn sàng trả lời cho ông bà về tất cả các phương pháp điều trị. Sự hướng dẫn của bác sĩ và những thuốc quan trọng như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị chống đông phòng ngừa tắc mạch máu nuôi tim, nuôi não, rồi thuốc điều trị suy tim là không thể nào bỏ được.  Chúng ta đều biết là tất cả các phương pháp Đông Y kết hợp đều rất tốt nhưng chỉ là hỗ trợ chứ không thể nào thay thế nhau được. Nên chúng ta hãy là bệnh nhân thông thái. Chúng ta có thể nghe nhiều người, nghe nhiều phương pháp nhưng chúng ta nên tin vào một người bác sĩ đang điều trị cho mình. Nếu như không tin vào bác sĩ, khi niềm tin của 2 bên bị mất đi đấy là điều đáng buồn và người ảnh hưởng lớn nhất chính là người bệnh. Cho tôi xin đưa ra một thông điệp cho tất cả các bạn đang xem chương trình đấy là chúng ta nên lắng nghe cơ thể mình, lắng nghe bác sĩ đang điều trị cho mình và tuân thủ quá trình điều trị.

Rất nhiều bệnh nhân đến với tôi không nghĩ họ mắc bệnh tim mạch, người ta chỉ nghĩ tim mạch là liên quan đến quả tim. Thật ra, bệnh tim mạch là bệnh lý của hệ tuần hoàn mà trong hệ tuần hoàn thì có tim và cả các mạch máu. Ví dụ như tăng huyết áp - tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch và chiếm tỉ lệ rất cao. Có nghiên cứu cho thấy lên đến 30% những người trên 50 tuổi mắc bệnh lý tăng huyết áp. Việc không nghĩ đến mình mắc bệnh tim mạch nên người mắc cũng không kiểm tra thường xuyên, đây là lý do khiến rất nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi gặp đã là các biến chứng của tim mạch.

Nhồi máu cơ tim diễn ra khi mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn. Chúng ta hình dung 1 đường ống dẫn nước đến thửa ruộng của nhà mình bị tắc thì thửa ruộng sẽ khô cằn, lúa sẽ không mọc được trên thửa ruộng ấy, nhồi máu cơ tim cũng như vậy. Nó nguy hiểm ở chỗ là cơ thể chúng ta chỉ có 1 quả tim, nếu tắc đường dẫn máu đến quả tim sẽ không đủ máu để nuôi cơ thể. Quả tim của chúng ta rất nhạy cảm, khi vùng đất bị khô cằn sẽ khiến quả tim chúng ta bị loạn nhịp và gây ra những rối loạn nguy hiểm. Nếu chúng ta không kịp chữa người bệnh trong tình huống này, đây sẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột tử.

Suy tim không phải là bệnh tim mạch mà là một hội chứng, là hậu quả cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch.  Suy tim có 4 nhóm nguyên nhân chính: Tiền gánh, hậu gánh, sức co bóp cơ tim và nhịp tim. 

Ở Việt Nam, chúng ta chủ yếu gặp suy tim là do tăng huyết áp cộng với các bệnh lý ở hậu gánh, bệnh lý ở van tim, ngoài ra còn có bệnh lý về tim bẩm sinh, về rối loạn nhịp tim, bệnh lý toàn thân cũng sinh ra suy tim. Chúng ta phải cố gắng tránh tối đa suy tim vì khi chúng ta trở thành người bị suy tim, việc tim trở lại chức năng bình thường rất là khó.

Bệnh về tim mạch nghe thì rất phức tạp và khó,  tuy nhiên trong thực tế rất dễ để phát hiện ra quả tim mình có đang hoạt động tốt hay không. Hãy hình dung quả tim giống như cái bơm, bơm máu đi vào cơ thể 70 lần/ 1 phút. Một phút có 70 - 80 nhịp tim đập để bóp lượng máu đi vào cơ thể, chính vì đó chúng ta hãy lắng nghe cơ thể của mình để nhận biết các triệu chứng khi nào bơm hỏng. Bơm khi hoạt động tăng thời gian, tăng tần suất lên thì nó sẽ hỏng, khi đó bạn thấy mình  cảm giác khác biệt khi gắng sức, đấy là lúc quả tim mình có vấn đề. Hoặc các bạn phải chịu khó tập thể dục, chơi thể thao hoặc đơn giản nhất như tôi, không có thời gian chơi thể thao thì tôi đi cầu thang, mỗi buổi sáng đến cơ quan làm việc tôi leo 5 tầng cầu thang. Nếu như quả tim của chúng ta đang tốt - cái bơm đang hoạt động tốt thì 5 tầng cầu thang đấy chúng ta không cảm thấy khác thường gì. Bất cứ trường hợp nào chúng ta cảm thấy khác thường đi thì chúng ta phải cần đi kiểm tra quả tim của mình. Quả tim của chúng ta không giống như các bộ phận khác, không tự nhiên xuất hiện bệnh lý, mà tim rất logic. Nó hoạt động tuần hoàn đều đặn. Các bạn hãy lắng nghe cơ thể bằng cách thường xuyên vận động thể thao và khi hoạt động thể thao thấy có sự khác thường thì hãy đi khám bác sĩ.

Trong tim mạch có nhiều yếu tố nguy cơ mà chúng ta cần phải biết như béo phì, đái tháo đường, tăng mỡ máu, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch, ít vận động, lười vận động và một phần là bị stress trong công việc. Khả năng gặp các bệnh lý về tim mạch ở những người có những yếu tố nguy cơ sẽ nhiều hơn những người không có. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có quả tim khỏe mạnh thì việc loại trừ yếu tố nguy cơ là rất quan trọng, ngược lại, ở những người có yếu tố nguy cơ rất cao thì phải biết lắng nghe cơ thể đi kèm với việc biết điều trị, bảo đảm các yếu tố nguy cơ không thay đổi. Ví dụ như bạn bị mỡ máu cao, gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, bệnh tăng mỡ máu thì bạn cần duy trì chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống đều đặn, tránh các chất béo, chất mỡ, như thịt mỡ, như phủ tạng động vật, trứng, bơ, sữa. Nếu giữ được lối sống điều độ đấy thì dù có cholesterol cao một chút cũng sẽ không ảnh hưởng đến tim mạch của bạn. Ngược lại, người chủ quan nghĩ sức khoẻ mình đang rất tốt, không kiểm tra sức khoẻ, còn ăn uống bừa bãi có thể đột ngột gặp nhồi máu cơ tim. 

Những trường hợp nhồi máu cơ tim trẻ nhất mà tôi gặp có thể là 25 - 26 tuổi, các em ấy vẫn là những người chơi thể thao rất khoẻ nhưng mà không biết lắng nghe cơ thể mình. Ăn uống sinh hoạt không điều độ. Lúc xảy ra các dấu hiệu gợi ý thì lại bỏ qua chủ quan nghĩ chắc là đau cơ, do thời tiết thay đổi, do cảm cúm và cuối cùng dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Như vậy lời khuyên chúng tôi là gì, hãy cố gắng sống lành mạnh, sống tốt nhất có thể, và giữ chế độ sống lành mạnh ấy. Đừng có những hôm tự nhiên một tuần ăn chay, tuần sau lại phá sức của mình ăn uống không phù hợp. Việc này rất nguy hiểm cho tim mạch. Việc không đều đặn, cơ thể không thích ứng kịp sẽ rất dễ dẫn đến những rối loạn về chuyển hoá và cuối cùng hậu quả là tổn thương hệ thống mạch máu mà nguy hiểm nhất là hệ thống động mạch máu nuôi cơ tim.

> Tập 2: Nghe đúng

Độ dài: 20 phút
Nội dung: 10 câu hỏi về suy tim, nhồi máu cơ tim, những lầm tưởng, sàng lọc và chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tim mạch

Để tim khỏe, quan tâm khi còn trẻ

Bệnh tim mạch về nguyên tắc là không di truyền. Tim mạch có hai nhóm bệnh - một là bệnh tim mắc phải và hai là bệnh tim bẩm sinh. Chính vì số lượng mắc rất lớn khiến cho các trường hợp trùng hợp xảy ra trong gia đình rất nhiều.


Đối với bệnh tim bẩm sinh thì có một tỉ lệ rất nhỏ là có yếu tố di truyền. Tôi xin khẳng định là rất rất nhỏ. Ngoài ra thì các bệnh lý về chuyển hóa thì cũng có thể là có người nói là di truyền nhưng mà thực ra không phải vậy. Bố mẹ tăng huyết áp thì con có khả năng dễ tăng huyết áp hơn, điều này chủ yếu là do sinh hoạt và ăn uống, điều kiện môi trường làm tăng nguy cơ mắc. Bố mẹ đã ăn trong các môi trường ăn mặn, nhiều mỡ…v..v. thì con cái sau này cũng có thể bị tăng huyết áp, bị béo phì, bị rối loạn mỡ máu và cũng có thể dẫn đến bệnh lý mạch vành. Tuy nhiên chúng ta phải khẳng định là các bệnh lý tim bẩm sinh ít khi di truyền. Nhiều khi mắc phải là các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim mạch ở thế hệ tiếp theo. Chúng ta cần phải xác định để cố gắng làm giảm các yếu tố nguy cơ đó và đừng quá sợ khi thấy là có một em bé trong gia đình bị tim bẩm sinh, rồi thấy trong nhà thì có một người bị nhồi máu cơ tim đặt stent. Chúng ta cứ bình tĩnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Như tôi vừa chia sẻ câu hỏi thứ nhất thì có hai loại bệnh là bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải. 

Trong bệnh lý tim bẩm sinh thì để phát hiện sớm bệnh ta có hai cách. Một là nhờ các dấu hiệu lâm sàng. Các cháu bé đẻ ra đã bị tím, đã bị viêm phổi, bị chậm lớn thì đó là những dấu hiệu rất dễ phát hiện, đa phần chúng ta sẽ phát hiện được bằng cách nghe tim, siêu âm tim. Cách thứ 2 chính là khám sàng lọc. Khám sàng lọc thì vai trò của xét nghiệm cận lâm sàng rất quan trọng. Chúng tôi tham gia chương trình trái tim cho em được hơn 12 năm nay, và khám sàng lọc rất nhiều các trường hợp tim bẩm sinh. Chúng tôi đã sử dụng thiết bị đo bão hòa oxy của bé bằng đầu ngón tay, cũng như bằng siêu âm tim để phát hiện sớm.

Còn đối với bệnh tim mắc phải thì phát hiện sớm chủ yếu nhờ vào xét nghiệm sàng lọc. Hội Tim Mạch Việt Nam khuyến khích người dân, đặc biệt những người trên 40 tuổi ở nam giới, trên 45 tuổi ở nữ giới nên ít nhất một lần thực hiện thăm dò tim mạch để phát hiện sớm bệnh, quan trọng nhất là xét nghiệm tìm các yếu tố nguy cơ gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì .v.v. Ngoài ra, các phương pháp khác cũng rất quan trọng mà chúng ta hay bị bỏ quên như nghiệm pháp gắng sức - cho người nghi bệnh chạy trên thảm lăn, đạp xe đạp. Hoặc thậm chí là khi đầu gối không chạy được thì người ta làm nghiệm pháp gắng sức bằng thuốc. Bơm thuốc vào để cho tim đập nhanh lên để đánh giá quả tim giống như là chúng ta đánh giá tải của động cơ ô tô. 

Tôi khuyên nếu bạn nào có yếu tố nguy cơ cao thì ít nhất 3 năm một lần nên làm nghiệm pháp gắng sức ấy.

Bệnh tim bẩm sinh xảy ra bất kể ở trẻ em hay người lớn tuổi, và chủ yếu gặp ở trẻ em.

Bệnh tim mắc phải thì chúng ta sẽ gặp ở người lớn, trước đây là nam trên 40 tuổi, nữ trên 45 tuổi. Hiện nay rất nhiều trường hợp dưới 30 tuổi người ta có thể bị những bệnh như nhồi máu cơ tim hay là bị tăng huyết áp. Những người trẻ tuổi về cách xử lý sẽ khác với những người lớn tuổi ở chỗ là chúng ta phải bình tĩnh xử lý, tìm ra nguyên nhân để chữa trị. Đừng nghĩ đây là bệnh mắc phải do ăn uống, do chuyển hóa gây ra, mà có thể do những nguyên nhân như tăng huyết áp ở người trẻ, phải tìm hiểu xem bệnh nhân có bị hẹp động mạch thận không, có u ở tủy thượng thận không, có dùng thuốc tránh thai không, rất rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp của người trẻ. Tương tự,  trường hợp nhồi máu cơ tim chúng ta cũng phải kiểm tra xem có phải bệnh tim bẩm sinh không như có mắc bệnh Kawasaki lúc bé không, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá quá nhiều hoặc là bệnh nhân có những dị dạng bẩm sinh bất thường ở trong tim có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc là có những trường hợp tự dưng bị chấn thương không.

Tôi cũng vừa can thiệp một trường hợp 26 tuổi sau khi chấn thương đá bóng xong, em bị đau ở ngực và cuối cùng phát hiện ra là bị hẹp thân chung mạch vành tức là chỗ nguy hiểm nhất của mạch vành để nuôi tim. Cho nên tôi nói người trẻ chỉ khác một việc là chúng ta đừng loại trừ việc mình bị bệnh tim. Khi xác định được bệnh tim rồi chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao dẫn đến bệnh tim. Khác với người lớn là do tuổi cao do thoái hóa, do diễn biến bệnh lâu dài gây ra.

Điều này không đúng. Hội Tim Mạch của Hoa Kỳ (ACC) vừa nghiên cứu trên thế giới về bệnh ung thư và tim mạch. Trước đây có một xu hướng là bệnh nhân ung thư thì phải đi tầm soát về tim mạch xem có bệnh tim mạch hay không để điều trị ung thư. Hiện nay là người bị tim mạch sẽ được tầm soát ung thư vì các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra là người bị bệnh tim mạch thì nguy cơ gặp ung thư khá cao. Hai bệnh này không thể so sánh bệnh nào là nguy hiểm hơn mà cần có một tinh thần phối hợp làm việc giữa hai chuyên ngành để tìm ra hướng điều trị, hướng dẫn trong việc chăm sóc người bệnh một cách toàn diện. Bệnh nào cũng quan trọng, bệnh nào cũng nguy hiểm nên chúng ta phải xác định phát hiện sớm, điều trị đúng thì mối nguy hiểm đấy sẽ được giải tỏa cho cả bệnh lý tim mạch và cả bệnh lý ung thư.

Điều này lại càng không đúng, tỉ lệ nhồi máu cơ tim cấp mà tử vong hiện nay ở trên thế giới đã giảm nhiều. Nếu nhồi máu cơ tim mà không có sốc tim cũng không có biến chứng nặng vào viện, lại bị thủng tim hay là bị đứt dây chằng van hai lá hay là bị thủng vách liên thất thì đấy là biến chứng cơ học. Trường hợp này tỉ lệ tử vong có thể lên đến 70% - 80%, thậm chí ở các nước mà chưa phát triển thì chắc chắn bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam, nhóm tỷ lệ bệnh nhân không có biến chứng cơ học mà tử vong, đã giảm đi rất nhiều, nhờ vào sự phát triển của y học hiện đại. Các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay hầu như đều có khả năng can thiệp, dùng thuốc điều trị làm tái thông mạch máu giúp tỷ lệ tử vong giảm xuống. Có các nghiên cứu chỉ ra chỉ còn 5% - 10% những ca nhồi máu cơ tim cấp.

Cũng như vậy đối với các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà bị biến chứng cơ học, ví dụ như biến chứng nặng nhất là thủng tim hoặc là bị thông liên thất. Hiện nay chúng tôi cũng đã có rất nhiều trường hợp đã chữa khỏi nhờ sự phối hợp giữa Tim mạch can thiệp và Phẫu thuật tim mạch. Mọi trường hợp bệnh nhân bị thủng tim chúng tôi đã tiến hành bít lỗ thông liên thất bằng dụng cụ qua da, những trường hợp bị đứt dây chằng van hai lá thì chúng tôi can thiệp mạch vành. Sau đó các bác sĩ tim phẫu thuật tim thay van hai lá và bệnh nhân vẫn sống được. 

Việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim chúng ta đừng nghĩ là sẽ chắc chắn tử vong mà chúng ta phải nghĩ là khi được chẩn đoán nhồi máu cơ tim phải tìm mọi cách đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Ở cơ sở y tế gần nhất có khả năng can thiệp hay là phẫu thuật cho bệnh nhân thì đấy là cơ sở y tế chúng ta nên chọn lựa để đưa đến.

Về nguyên tắc, tất cả bệnh lý từ trong cơ thể chúng ta đều phòng ngừa được nhưng bệnh lý nhồi máu cơ tim là một bệnh lý phòng ngừa tương đối khó khăn. Do đây không phải là bệnh lý vừa mới xảy ra ngày một ngày hai mà nó kéo dài. Nguyên nhân nhồi máu cơ tim là mạch máu nuôi tim ấy bị tắc lại nhưng không phải do tự nhiên bị tắc mà đa phần là do mảng xơ vữa hay là mỡ lắng đọng lại dần dần nó lấp dần lỗ mạch máu. 

Chính vì vậy muốn phòng ngừa chúng ta phải làm sao để mạch máu đừng bị lấp bằng các mảng xơ vữa hay bằng mỡ xấu trong cơ thể. Thế nên để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, thứ nhất chúng ta phải tìm mọi cách duy trì chế độ sinh hoạt ổn định với những thức ăn tốt, không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ. Thứ hai, chúng ta phải lắng nghe cơ thể mình, thường xuyên tập luyện và xem việc tập luyện của chúng ta có dấu hiệu gì khác thường không. Chúng ta sẽ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi mà chúng ta thấy có sự khác thường đặc biệt là khi chúng ta thấy đau vùng ngực trái, có những cơn mệt không rõ nguyên nhân, vã mồ hôi và đau không chỉ ở vị trí biên ngực mà lan ra tay bên trái, lan lên cổ, có những trường hợp sẽ lan ra sau lưng. Tóm lại là khi chúng ta có yếu tố nguy cơ, khi chúng ta đã nghĩ đến việc có thể bị bệnh tim thì hãy lắng nghe cơ thể mình và xử lí ngay khi chúng ta nhận thấy có sự khác biệt.

Thời gian vàng cho bệnh lý về tim mạch là cực kỳ quan trọng. Tôi thường hay dùng những từ là “door to table” nghĩa là từ khi bệnh nhân vào đến cửa bệnh viện và cho đến khi bệnh nhân được lên bàn chụp thì đấy là thời gian vàng. Chúng tôi có thể giúp được việc ấy. Ví dụ như bệnh viện chúng tôi thời gian từ khi bệnh nhân vào cửa đến khi bệnh nhân được đưa lên bàn chụp là được rút ngắn cỡ khoảng 30 phút, các nước trên thế giới có những nơi chỉ 15 phút. Đấy là thời gian vàng để cho chúng ta thấy là bác sĩ tiết kiệm từng phút từng giây như thế nào. 

Tuy nhiên thời gian vàng bị mất nhiều nhất chính là ở ngoài cộng đồng rất nhiều các trường hợp bệnh nhân bị biến chứng, bị biến cố tim mạch như là nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bị liệt nửa người như là tắc mạch, chảy máu xuất huyết, thì các bệnh nhân lại được điều trị không đúng cách. Tôi đã từng gặp các bệnh nhân bị đột quỵ hay là bị liệt nửa người được người nhà đánh cảm đỏ hết từ đầu đến chân và lúc đấy thì thời gian vàng đã trôi qua. Trong tim mạch nói chung, chúng ta phải nhớ mạch máu giống như đường ống, các bộ phận cơ thể giống như là vùng đất mà chúng ta nuôi dưỡng nếu mạch máu bị tắc quá 6 tiếng đồng hồ, đa phần vùng máu/ vùng đất ấy đã chết mà không có khả năng hồi phục nữa. Cá biệt có những trường hợp vùng đất ấy vẫn còn sống là nhờ các mạch máu nhỏ như những đường ống dẫn nước nhỏ nuôi sống. Thì lúc ấy việc can thiệp nuôi lại có thể có hiệu quả nhưng về lâu về dài thì không thể so sánh với việc sớm mở lại mạch máu để nuôi sống vùng cơ tim, vùng nhu mô não, vùng ở mạch chân. ở mạch thận. Thì chính vì vậy tôi cũng nhờ chương trình khuyến cáo bất cứ trường hợp nào mà chúng ta nghi ngờ là có tắc mạch cấp tính,  bất cứ mạch gì, mạch não, mạch chân, mạch thận, mạch ở tim, chúng ta cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Hội chứng suy tim không phải là bệnh, do đó nếu chúng ta chữa được nguyên nhân thì có thể chữa khỏi được triệu chứng đấy. Ví dụ như bệnh nhân bị suy tim do bệnh tim bẩm sinh còn ống động mạch có lỗ thông liên thất, thông liên nhĩ.  Khi chúng ta bít lỗ thông ấy lại thì quá trình diễn biến bệnh sẽ không còn suy tim nữa. Bệnh nhân sẽ được khỏi. Tuy nhiên đại đa số các trường hợp suy tim lại không do các bệnh lý bẩm sinh mà là do bệnh lý mắc phải như là bệnh tăng huyết áp, tim thiếu máu cục bộ, bệnh lý do các chuyển hoá gây ra thì chúng ta không thể nào mà chữa khỏi được. Vì nguyên nhân luôn luôn còn đấy, vì bệnh nhân sẽ không hết tăng huyết áp, không hết thiếu máu cơ tim khi mạch vành vẫn đang bị hẹp. Khi chúng ta vẫn ăn uống sinh hoạt làm các mảng xơ vữa tăng lên dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, bị tăng tiền gánh, tăng hậu gánh không để cho tim bóp được nữa từ đó dẫn đến cơ tim bị mệt và suy. 

Trong hội chứng suy tim chúng ta phải tìm được nguyên nhân, chữa nguyên nhân thì chúng ta mới hy vọng là không có hội chứng suy tim nữa còn nếu  không có nguyên nhân thì chúng ta cần biết phải chung sống với bệnh lý suy tim suốt cả cuộc đời. 

Thật ra là trên thế giới cũng chưa có nhiều nghiên cứu vì bệnh lý rất mới. COVID-19 mới xảy ra trong 2 năm nay và các nghiên cứu vẫn đang trên đà diễn ra.

Bản thân tôi với tư cách là bác sĩ điều trị trực tiếp cũng như là Giám đốc của hai bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội và Bình Dương thì tôi nhận thấy một điều là bệnh lý do COVID-19 gây ra rối loạn đông máu. Cơn bão cytokine kích hoạt hoạt hoá tạo nên quá trình đông máu bị biến đổi. Rất nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do đông máu. Đông máu ở đây chính là tắc mạch, khi cục máu đông xuất hiện nó không giống như nhồi máu cơ tim thông thường. Nhồi máu cơ tim giống như là hẹp mạch máu, phần hẹp mà xơ vữa thì cục máu đông sẽ từ từ đọng lên ở đấy. Trong COVID-19 thì không phải như vậy. COVID-19 là do chuyển hoá dẫn đến cơn bão cytokine, làm rối loạn quá trình đông máu và dẫn đến việc tạo ra các cục máu đông, không phải chỉ ở tim. Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp nhồi máu phổi, nhồi máu não rồi nhồi máu cơ tim và đặc biệt việc rối loạn đông máu cho nên việc điều trị khác hẳn hoàn toàn với cả tắc mạch do nguyên nhân khác. 

Rất nhiều trường hợp chúng ta dùng thuốc tiêu sợi huyết nhưng mà dùng xong thì sợi huyết sẽ lại chảy máu ngay vì rối loạn, có thể là tăng đông lên sau đó lại giảm đông đi nên chúng ta phải dùng thuốc và rất khó khăn. Can thiệp cũng vậy, chúng tôi đã hút huyết khối những trường hợp nhồi máu não nhưng hút mãi không ra…hút xong lại tự xuất hiện lên cục máu đông mới nên nguyên nhân này không phải nguyên nhân tại chỗ, không phải nguyên nhân chỗ hẹp mà là nguyên nhân toàn thân, rối loạn đông máu toàn thân, cả cơ thể sinh ra quá trình đông máu ngoại sinh. Đấy chính là nguyên nhân mà tắc mạch là nỗi kinh hoàng trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân COVID-19. Những trường hợp bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm vắc-xin đến với chúng tôi mà chúng tôi xác định là tình trạng tăng đông rất cao thì chúng tôi lập tức điều trị quyết liệt để đừng có biến cố lớn xảy ra. 

Có một lời khuyên dành cho bệnh nhân COVID-19 là hiện nay là chúng ta đã được tiêm phòng, thậm chí đã được tiêm 3-4 mũi. Chúng ta phải bình tĩnh, đọc những quyển sách chính thống để chúng ta biết các triệu chứng chủ yếu dẫn đến nguy hiểm cho phổi và tim ở bệnh nhân để đưa người nhà và chính bản thân ta vào viện đúng thời điểm và hợp lý.