Tại kỳ 2 của chương trình Hãy lắng nghe cơ thể lên tiếng #khôngdừngbước, chúng ta hãy cùng gặp gỡ chuyên gia đầu ngành sản phụ khoa - TS. BS. Lê Văn Hiền - Tổng Thư ký Hội Sản Phụ Khoa TPHCM (HOGA), Giám đốc Phòng khám Sản phụ khoa Hiền Đức. Với chủ đề “Ngừa ung thư cổ tử cung, ung dung khi hiểu đúng”, bác sĩ sẽ chia sẻ các kiến thức quan trọng và giải đáp các lầm tưởng về ung thư cổ tử cung qua 2 phần: Tập 1 - Hiểu đúng, tập 2 - Nghe đúng.
Quý khán giả có thể xem lại video của toàn bộ chương trình hoặc xem chi tiết phần chia sẻ của bác sĩ như bên dưới.
> Tập 1: Hiểu đúng
Độ dài: 25 phút
Nội dung: Định nghĩa, nguyên nhân, các triệu chứng và lời khuyên về chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Khi nhắc đến ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng, phụ nữ thường có tâm lý chủ quan như “không phải tôi” hoặc “tại sao tôi lại xui đến như vậy” khi được bác sĩ chẩn đoán mắc phải ung thư. Thực tế, ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa phổ biến. Trên thế giới, ung thư cổ tử cung đứng thứ 7 trong 10 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Tại Việt Nam, theo một thống kê vào năm 2020, mỗi ngày ước tính có 6 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung và 11 phụ nữ mắc mới (theo số liệu Globocan 2020, 4132 ca mới mắc và 2223 ca tử vong). So với thế giới, Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao khi mắc ung thư cổ tử cung do thường được phát hiện ở giai đoạn trễ và tiếp cận điều trị trễ.
Ung thư cổ tử cung không chỉ xuất hiện ở những phụ nữ lớn tuổi hay trưởng thành mà đang ngày càng trẻ hóa. Một số trường hợp mắc ung thư được ghi nhận ở độ tuổi 20. Vì vậy phụ nữ không nên có tâm lý chủ quan, khi đã có quan hệ tình dục đừng chần chừ, hãy đi khám phụ khoa thường xuyên để tầm soát sớm, điều trị sớm ung thư cổ tử cung.
Hiện nay vẫn có nhiều phụ nữ tin rằng việc mình mắc ung thư cổ tử cung là do di truyền từ người thân gia đình. Thực tế, theo như ghi nhận, HPV là nguyên nhân của hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Khả năng đào thải HPV cao ở phụ nữ có sức khỏe tốt, đời sống lành mạnh. Khi nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, 90% phụ nữ khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ tự khỏi.
Khả năng nhiễm HPV dai dẳng dẫn đến ung thư cao ở phụ nữ có sức đề kháng kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ tình dục không lành mạnh.v.v.
Để phòng tránh và chủ động bảo vệ mình khỏi ung thư cổ tử cung, phụ nữ cần: giữ cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục, dinh dưỡng, đời sống tình dục lành mạnh. Bên cạnh việc tiêm phòng HPV, phụ nữ cần kết hợp với tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ từ 3 - 5 năm, và mỗi năm cần đi khám sức khỏe định kỳ, lắng nghe tư vấn của bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường.
> Tập 2: Nghe đúng
Độ dài: 15 phút
Nội dung: 10 câu hỏi chi tiết về việc tiêm phòng, tầm soát, điều trị HPV, các quan niệm hiện nay về việc tầm soát ung thư cổ tử cung