Hãy lắng nghe cơ thể lên tiếng #khôngdừngbước Talkshow kỳ 1: Hậu COVID-19, ít băn khoăn

Tại kỳ 1 của chương trình Hãy lắng nghe cơ thể lên tiếng #khôngdừngbước, hãy cùng gặp gỡ Bác sĩ tuyến đầu trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 Thầy thuốc Ưu tú, ThS. BS. CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương qua chủ đề Hậu COVID-19, ít băn khoăn. 

Chúng ta sẽ cùng BS. Trung Cấp đi qua 2 phần, phần 1: Hiểu đúng, phần 2: Nghe đúng. Quý khán giả có thể xem lại video của toàn bộ chương trình hoặc xem chi tiết phần trả lời của bác sĩ theo các câu hỏi bên dưới.

> Phần 1: Hiểu đúng

Độ dài: 15 phút
Nội dung: Định nghĩa, các triệu chứng và lời khuyên về chẩn đoán hậu COVID-19

Hậu COVID-19, ít băn khoăn
Hỏi & đáp về hậu COVID-19

Hỏi & đáp về hậu COVID-19

Nhiều người bệnh sau khi khỏi COVID-19 vẫn còn nhiều triệu chứng tồn tại lâu dài về sau, những triệu chứng thông thường như: Ho, đau ngực, khó thở, mất ngủ, cảm giác mệt mỏi cũng có thể do hậu COVID-19 hoặc cũng có thể do các bệnh lý thông thường khác gây ra. Cho nên trong trường hợp người bệnh sau khi khỏi COVID-19 trên 4 tuần mà vẫn còn tồn tại những triệu chứng ấy thì cần phải đi khám để xác định xem do những bệnh lý nào gây ra, và nếu không thể xác định được những bệnh lý nào gây ra hay có thể lý giải được các triệu chứng đó thì mới được xem là biểu hiện của hậu COVID-19.

Theo tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhiều hiệp hội y khoa có nhiều phân loại khác nhau về hậu COVID-19. Nhưng nhìn chung người ta tương đối thống nhất về một khoảng thời gian:

  • Giai đoạn 1: Nếu như các dấu hiệu còn tồn lưu hay xuất hiện mới trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng sau khi bị nhiễm bệnh thì người ta coi đó là COVID-19 diễn tiến (on-going COVID). Giai đoạn này các tổn thương là do hậu quả của quá trình miễn dịch cũng như các mảnh tế bào, các phức kháng nguyên - kháng thể còn tồn lưu ở giai đoạn nhiễm vi-rút trước tiếp tục phát tác.

  • Giai đoạn 2: Nếu như sau 3 tháng tính từ khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh mà vẫn xuất hiện các dấu hiệu mới và tồn tại những dấu hiệu cũ mà không thuyên giảm đáng kể thì giai đoạn này được xem là COVID mãn tính, hoặc là hậu COVID-19 thực sự.

Có trên 250 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19 đã được thống kê, từ mức độ nhẹ đến trầm trọng. Các triệu chứng phổ biến thường gặp ở đa số các bệnh nhân là tình trạng mệt mỏi kéo dài, hụt hơi, cảm thấy hụt hơi, khó thở, tức ngực khi vận động, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung cũng như các dấu hiệu về mệt mỏi, trầm cảm v.v

Các bệnh nhân khi bị nhiễm COVID-19, một mặt vi-rút gây tổn thương các cơ quan phủ tạng, một mặt vi-rút khởi phát quá trình miễn dịch của cơ thể. Nếu quá trình miễn dịch đáp ứng không phù hợp thì có nhiều các sản phẩm, ví dụ các hoạt chất trung gian, các phức kháng nguyên-kháng thể, các mảnh của các tế bào chết sẽ tiếp tục gây các tổn hại tiếp theo của các cơ quan phủ tạng và quá trình đấy nếu như gây ra tổn hại đến những cơ quan quan trọng ( ví dụ: tim, phổi) thì có thể dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe rất nghiêm trọng. Hoặc thậm chí ở trẻ em, có thể xảy ra tình trạng phản ứng viêm toàn thể dẫn đến tổn thương các phủ tạng thứ phát về sau thậm chí dẫn đến tử vong.

Sau khi khỏi COVID-19, thông thường sẽ có triệu chứng ho và mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng . Tuy nhiên nếu triệu chứng đỡ dần và hồi phục thì chúng ta có thể yên tâm vì đó là diễn biến thông thường sau khi nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh COVID-19. 

Trong trường hợp ho, mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới như có tình trạng sốt dai dẳng, có ban da tiến triển hoặc tổn thương tim phổi nặng hơn thì đấy là những lúc chúng ta cần phải đi khám, đi đánh giá xem diễn biến của bệnh như thế nào.

Nói tóm lại, nếu như các triệu chứng diễn tiến trong vòng 1 tháng, lui dần và hồi phục thì chúng ta có thể tương đối an tâm là không có vấn đề gì. Còn nếu các triệu chứng kéo dài trên 1 tháng, thậm chí kéo dài trên 3 tháng và có xu hướng không suy giảm, thậm chí có triệu chứng mới xuất hiện, mới tăng lên và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, đến khả năng lao động hoặc là ảnh hưởng đến sự thoải mái về thân thể thì chúng ta cần phải đi khám để xác định các vấn đề do nguyên nhân nào gây ra và tìm phương cách giải quyết.

Nhìn chung đối với một bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính mà có những diễn tiến rất nặng như phải nằm ở khoa hồi sức tích cực, tổn thương suy nhiều cơ quan phủ tạng thì giai đoạn sau chúng ta nên có đánh giá tổng thể về chức năng gan thận, chức năng hô hấp, xét nghiệm công thức máu và một số các xét nghiệm khác để chúng ta đánh giá xem những tổn thương ở giai đoạn cấp đã hồi phục hay chưa? Hồi phục đến đâu?

Nếu bệnh nhân sang đến giai đoạn hậu COVID-19, xuất hiện các biểu hiện nào nổi bật thì chúng ta sẽ đi sâu khảo sát về các biểu hiện đó. 

  • Ví dụ, bệnh nhân có tình trạng ho nhiều, khó thở, tức ngực, đau trong ngực thì bệnh nhân nên được chụp phổi, nên được xét nghiệm các chỉ số viêm, để đánh giá xem các tổn thương xơ phổi hay là có bội nhiễm vi khuẩn hay không. 

  • Ví dụ, đối với bệnh nhân có tình trạng hụt hơi khi vận động, có tình trạng mệt mỏi kéo dài thì ngoài việc đánh giá chức năng phổi, thăm dò chức năng hô hấp thì chúng ta cần phải đánh giá thêm các chỉ số về tim (ví dụ như siêu âm tim để đánh giá mức độ co bóp của cơ tim), các men tim (ví dụ như NT proBNP, BNP để dự đoán quá trình viêm cơ tim)

  • Ví dụ bệnh nhân có tình trạng mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tập trung thì chúng ta cần phải đánh giá thông qua các bài kiểm tra về khả năng tập trung, khả năng tư duy cũng như các bài kiểm tra để xác định bệnh nhân có tình trạng trầm cảm hay không để có các biện pháp điều chỉnh.

Nói chung, nếu bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 trong giai đoạn cấp (bị nhiễm bệnh trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch) thì sang đến giai đoạn sau ta cần có đánh giá tổng thể để xem xét quá trình hồi phục của các cơ quan, còn nếu như bệnh nhân xuất hiện biểu hiện của hậu COVID-19 thì tùy thuộc vào biểu hiện nào nổi trội thì chúng ta sẽ có các xét nghiệm chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến các biểu hiện đó.

Tôi nghĩ việc khám tổng quát là khám ưu tiên cho những người ở giai đoạn trước - giai đoạn bị COVID-19 nặng và sang đến giai đoạn hậu COVID-19 thì cần phải đánh giá xem các tổn thương nặng của giai đoạn trước có thể hồi phục được hay không, có diễn tiến gì khác thường hay không?

Còn nếu như giai đoạn nhiễm COVID-cấp tính mà bệnh nhân chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng gì và vẫn khỏe mạnh ở giai đoạn sau thì chúng ta xem đó là một người hoàn toàn bình thường. Nếu như họ có các triệu chứng mới xuất hiện, lúc bấy giờ chúng ta sẽ đánh giá chuyên sâu theo từng biểu hiện mà bệnh nhân có.

Khi đi thăm khám chúng ta sẽ cần làm khá nhiều các hoạt động thăm dò và xét nghiệm vì thế nên có sự chuẩn bị cho các hoạt động ấy. 

  • Ví dụ, sẽ có xét nghiệm máu, vì thế chúng ta không nên ăn sáng, để có thể đảm bảo thực hiện được các xét nghiệm đường huyết, mỡ máu.v.v.

  • Hoặc chúng ta có thể thực hiện các xét nghiệm điện tim, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, nên mặc quần áo thoải mái, dễ tháo cởi

> Phần 2: Nghe đúng 

Độ dài: 15 phút
Nội dung: 10 câu hỏi chi tiết về thời gian khỏi bệnh, cách đánh giá triệu chứng, xét nghiệm và điều trị hậu COVID-19

Hậu COVID-19, ít băn khoăn

Các thống kê ở các bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 cho thấy các triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn đầu với một tỷ lệ khá cao, sau đó thì thuyên giảm. Tuy nhiên, ngay cả ở những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đến 1 năm, vẫn có ghi nhận các vấn đề của của hậu COVID-19. 

Kinh nghiệm ở những bệnh nhân nhiễm vi-rút tương tự như vi-rút SARS năm 2013 thì thậm chí sau 4 năm các trường hợp mệt mỏi kéo dài vẫn còn tồn tại.

Hậu COVID-19 tức là các vấn đề về sức khỏe tồn lưu hoặc nảy sinh mới sau khi người bệnh nhiễm COVID-19 và đã khỏi hoàn toàn COVID-19 rồi nên không có khả năng lây từ người này sang người khác nữa.

Chúng ta căn cứ vào các biểu hiện của hậu COVID-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày hay khả năng lao động để đánh giá xem biểu hiện đó là nặng hay nhẹ.

Thông thường các bệnh nhân bị hậu COVID-19 có các biểu hiện như mệt lả, ho, hụt hơi, khó thở kéo dài, giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy, đau cơ đau khớp kéo dài.v.v nhìn chung các tình trạng này ít khi dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, ở một số rất ít bệnh nhân có thể có những diễn biến nặng mà chúng ta cần hết sức lưu ý. Ví dụ như những bệnh nhân sau khi bị COVID-19 có tình trạng loạn nhịp tim có thể gặp tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, dẫn đến tình trang ngừng tim, đột tử.

Bệnh nhân hậu COVID-19 thường là các bệnh nhân gặp các triệu chứng thông thường như hụt hơi, khó thở, giảm trí nhớ, rồi loạn giấc ngủ.v.v Thông thường các bệnh nhân như thế sẽ được điều trị các triệu chứng đó. Ví dụ: 

  • Bệnh nhân có tình trạng mất ngủ có thể sử dụng các thuốc để tái lập lại giấc ngủ, thuốc an thần

  • Bệnh nhân có tình trạng trầm cảm có thể có các bài tập luyện hoặc các thuốc chống trầm cảm

  • Bệnh nhân có tình trạng trào ngược dạ dày thì có các thuốc bảo vệ dạ dày, chống trào ngược

Cũng có một số trường hợp do nhiều căn nguyên khác nhau, ví dụ:

  • Bệnh nhân có suy giảm chức năng cơ tim thì sẽ có các thuốc hỗ trợ chức năng cơ tim 

  • Bệnh nhân có tình trạng xơ phổi tiến triển thì chúng ta phải sử dụng các thuốc để điều trị tình trạng xơ phổi

Nói tóm lại, không có 1 loại thuốc nào điều trị đặc hiệu với hậu COVID-19 mà bệnh nhân có tổn thương ở cơ quan phủ tạng nào thì chúng ta sẽ điều trị cơ quan phủ tạng đó.

Tình trạng sương mù não là tình trạng bệnh nhân giảm khả năng tập trung, khả năng nhớ và tư duy. Bệnh nhân sẽ có tình trạng cảm thấy tư duy mình chậm chạp hẳn đi, cảm giác không thật như là mình sống trong màn sương mù, thậm chí cảm giác thân thể mình cũng lạ hẵn đi như không còn là thân thể của mình nữa.

Có nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải tình trạng này. Có một số giả thuyết cho rằng đây là phản ứng viêm trong não dẫn đến rối loạn dẫn truyền giữa các tế bào thần kinh. Một số giả thuyết khác cho rằng do giảm chuyển hóa và giảm sinh năng lượng trong não, hoặc do một số hoạt chất trung gian của các quá trình khác như phản ứng dị ứng dẫn đến các biểu hiện đó tại não. 

Căn cứ vào các giả thuyết đó, sẽ có các hướng điều trị thích hợp được đề xuất. Ví dụ, các thuốc làm tăng cường chuyển hóa, tăng cường sinh năng lượng, tăng cường tuần hoàn tại não. Nếu như bệnh nhân có tình trạng rối loạn giấc ngủ, trầm cảm thì việc hồi phục giấc ngủ, đảm bảo ngủ tốt cũng phần nào cải thiện các dấu hiệu của sương mù não.

Các biểu hiện của hậu COVID-19 rất đa dạng, có những biểu hiện rất nhẹ và ít để ý đến hoặc không cần phải để ý đến vì không ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng cũng có tình trạng có những biểu hiện gây khó khăn cho sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến khả năng lao động. Ví dụ, một người mất ngủ kéo dài sẽ rất khó chịu và không nên để triệu chứng này tồn tại mãi. Hoặc một bệnh nhân có tình trạng xơ phổi và có tiến triển tăng dần thì cần phải có hướng điều trị và ngăn ngừa tình trạng diễn tiến trầm trọng, để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Ở trẻ nhỏ có tình trạng là viêm đa hệ thống, các trẻ nhỏ có thể bị sốt kéo dài, xuất hiện các ban bất thường trên da, các ban nứt nẻ ở mũi, ở lưỡi như quả dâu tây hoặc là có tổn thương tim phổi dẫn đến tình trạng mệt lả hoặc khó thở. Những tình trạng ấy nếu như không được phát hiện sớm và xử lý một cách phù hợp thì có thể các tổn thương phủ tạng ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến tình trạng tử vong ở một số trẻ.

Diễn biến hậu COVID-19 cũng tương tự như ở người bình thường. Tuy nhiên chúng ta hết sức lưu ý: 

  • Tổn thương phổi ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến tình trạng xơ phổi. Nhưng nhìn chung ở người có thai sẽ hạn chế các thăm dò như chụp X-quang phổi, nên bắt buộc phải sử dụng các thăm dò khác ví dụ như đo chức năng hô hấp hoặc các xét nghiệm khác.

  • Một số phụ nữ sang giai đoạn sinh đẻ có thể có tình trạng trầm cảm sau sinh hoặc tình trạng rối loạn giấc ngủ sau đẻ khá trầm trọng. Vì vậy, khi diễn tiến trên nền có trầm cảm, rối loạn giấc ngủ do hậu COVID-19 sẽ làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn rất nhiều. Vì vậy cần phải lưu ý, kiểm soát tốt các biểu hiện trên.

Nhìn chung đối với một bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính mà có những diễn tiến rất nặng như phải nằm ở khoa hồi sức tích cực, tổn thương suy nhiều cơ quan phủ tạng thì giai đoạn sau chúng ta nên có đánh giá tổng thể về chức năng gan thận, chức năng hô hấp, xét nghiệm công thức máu và một số các xét nghiệm khác để chúng ta đánh giá xem những tổn thương ở giai đoạn cấp đã hồi phục hay chưa? Hồi phục đến đâu?

Nếu bệnh nhân sang đến giai đoạn hậu COVID-19, xuất hiện các biểu hiện nào nổi bật thì chúng ta sẽ đi sâu khảo sát về các biểu hiện đó. 

  • Ví dụ, bệnh nhân có tình trạng ho nhiều, khó thở, tức ngực, đau trong ngực thì bệnh nhân nên được chụp phổi, nên được xét nghiệm các chỉ số viêm, để đánh giá xem các tổn thương xơ phổi hay là có bội nhiễm vi khuẩn hay không. 

  • Ví dụ, đối với bệnh nhân có tình trạng hụt hơi khi vận động, có tình trạng mệt mỏi kéo dài thì ngoài việc đánh giá chức năng phổi, thăm dò chức năng hô hấp thì chúng ta cần phải đánh giá thêm các chỉ số về tim (ví dụ như siêu âm tim để đánh giá mức độ co bóp của cơ tim), các men tim (ví dụ như NT- proBNP, BNP để dự đoán quá trình viêm cơ tim).

  • Ví dụ bệnh nhân có tình trạng mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tập trung thì chúng ta cần phải đánh giá thông qua các bài kiểm tra về khả năng tập trung, khả năng tư duy cũng như các bài kiểm tra để xác định bệnh nhân có tình trạng trầm cảm hay không để có các biện pháp điều chỉnh.

Nói chung, nếu bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 trong giai đoạn cấp (bị nhiễm bệnh trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch) thì sang đến giai đoạn sau cần có đánh giá tổng thể để xem xét quá trình hồi phục của các cơ quan, còn nếu như bệnh nhân xuất hiện biểu hiện của hậu COVID-19 thì tùy thuộc vào biểu hiện nào nổi trội thì chúng ta sẽ có các xét nghiệm chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến các biểu hiện đó. 

Hậu COVID-19 có các triệu chứng rất đa dạng và tỉ lệ bệnh nhân có các triệu chứng như thế khá là cao. Tuy nhiên đa số các biểu hiện đó là các biểu hiện không quá nặng và ít ảnh hưởng đến tính mạng hay sức khỏe một cách nghiêm trọng. Chúng ta cần phải chú ý những người có nguy cơ có những diễn biến nặng, ví dụ như: trẻ em có biểu hiện của các triệu chứng viêm đa hệ thống, hoặc là người lớn có rối loạn nặng về tim mạch thì cần phải đi khám sớm. 

Còn lại những bệnh nhân có những triệu chứng nhẹ đơn giản thì chúng ta có thể an tâm là sẽ tự hồi phục sau một khoảng thời gian nhất định nào đó. 

Còn nếu như các triệu chứng đó gây khó chịu quá nhiều, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì chúng ta cần phải đi khám để giải quyết các triệu chứng ấy nhằm đảm bảo sức khỏe, sự thoải mái và khả năng lao động tốt nhất cho người bệnh.